[CHUYỆN CỦA KHÁCH HÀNG] Kỳ 1: Sắm nội thất là việc của ai?

Lời biên tập:

Trong một dịp tiếp xúc và tri ân khách hàng, nhóm nghiên cứu thị trường có cơ hội gặp gỡ hai vị khách thú vị. Được sự đồng ý của anh chị, chúng tôi xin phép chia sẻ câu chuyện như một minh chứng cho suy nghĩ, trăn trở của những người trẻ nói chung và chuyện những cặp vợ chồng trẻ nói riêng trên chặng đường tạo nên tổ ấm “home_sweet_home” (ngôi nhà thân yêu) của mình. 
Nào, hãy cùng lắng nghe những trải lòng rất thật!
———————————
Chúng tôi đến thăm nhà anh T. và chị N. (quận Đống Đa, Hà Nội) khi anh chị đang háo hức chuẩn bị tiệc đón sinh nhật tròn 1 tuổi cho bé Táo (con gái đầu lòng của anh chị).
Tại phòng khách có nội thất bài trí theo phong cách tối giản; khi anh pha trà rót nước, chị nhanh nhảu mang ra một đĩa bánh kẹo mời chúng tôi để vừa ăn bánh uống trà vừa nói chuyện cho “vào cầu”.
Chứng kiến cuộc sống hiện tại như vậy, tôi không thể nghĩ rằng anh chị đã từng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng đe dọa gia đình tan vỡ chỉ vì chuyện mua sàn nhà. Và câu chuyện đầu cuối là thế này.

1 đồng tiền mua – 10 đồng tiền công

Tích góp được hơn 1 tỷ, vay mượn ngược xuôi thêm, vợ chồng mình quyết mua căn chung cư mong cuộc sống ổn định và cũng để có môi trường tốt nuôi dạy bé Táo.
Mình được người quen giới thiệu căn hộ này tuy đã qua sử dụng nhưng giá rẻ lại gần trung tâm. Ngặt một nỗi lúc trước chủ nhà cho một công ty thuê làm văn phòng nên nội thất chủ đầu tư bàn giao hao hỏng phần lớn. Bực nhất là sàn bị phồng hết lên, vừa bước chân vào nhà là có tiếng cót kẹt phát ra rất khó chịu.
Tuy mang tiếng là mua nhà giá rẻ nhưng thực tế thì vợ chồng đành ngậm ngùi bỏ hết số tiền những tưởng tiết kiệm được vì mua nhà giá rẻ ra để sửa sang lại nhà. Đúng kiểu 1 đồng tiền mua thì phải bỏ ra tận 10 đồng tiền công.

Sắm nội thất là việc của ai?

Danh sách dài dằng dặc những thứ cần chi tiêu cho nhà mới khiến vợ chồng xót đứt ruột. Mà đây còn là lần đầu tiên hai người tự đứng ra lo công việc nên càng áp lực kinh khủng. Mua sắm gì cũng nâng lên đặt xuống đến mức phát bực lên.
Đến khâu chọn sàn nhà, anh tự nhiên “dở chứng” đòi mua sàn gỗ về tự lắp. Anh lý giải để bớt tiền thuê thợ mà mình làm thì tỉ mỉ, cẩn thận, chặt chẽ. Sàn nhà quan trọng nhất nhì, không thể “ú ớ” cho qua được. Cộng thêm vốn là dân IT ảnh hưởng tí bệnh nghề nghiệp hay lọ mọ nghiên cứu. Anh chứng minh là quanh quẩn trong nhà cái bàn cái kệ cũng do anh tự làm.
Mình can anh “dữ dội” lắm vì anh còn phải đi làm, công việc bình thường đã bận sáng tối, thời gian đâu rảnh rang để nghiên cứu cái phức tạp thế. Hơn nữa hạn trả phòng thuê sắp đến, con thì vẫn ẵm ngửa. Nếu anh tự lắp, không biết bao giờ mới xong, rồi vợ chồng con cái sẽ ở đâu?
Mình lo đến mất ăn mất ngủ trong khi anh thì cứ khăng khăng có thể tự làm, chỉ cần nghiên cứu Youtube là được. Mình phát cáu bởi tính cứng đầu của ông chồng, còn anh thì hậm hực vì vợ không ủng hộ, động viên. Mâu thuẫn cứ “âm ỉ” từng ngày.
(Ảnh minh họa, nguồn vectorstock.com )
Đỉnh điểm nhất là khi anh quyết mua sàn gỗ mà không hỏi ý kiến mình. Đã bực lại còn tủi thân khi thấy chị em bạn bè khoe nhà đang lát sàn màu nọ, màu kia hợp phong thủy, sàn đắt nhưng chất lượng tốt,… còn mình thì chẳng được hỏi ý kiến qua một câu. Có lúc nghĩ “thà đừng mua nhà còn hơn”, và mình từng thu xếp đồ đạc chực dọn về nhà mẹ đẻ, chẳng cần nhà mới nhà cũ gì. 
Ức thì ức lắm rồi nhưng vẫn cố quan sát xem anh lọ mọ xoay xở thế nào với cái kiến thức “rối như canh hẹ” về sàn gỗ. Ngoài mặt thì giữ thái độ bàng quan nhưng thực tế là đang âm thầm đợi đến lúc anh nản mà chịu thua, “xôi hỏng bỏng không” tốn thời gian, công sức mà tính chi phí khéo gấp đôi so với thuê thợ làm bài bản.
Thấy một dạo anh bắt đầu gọi điện thoại nhiều hơn, hay ngồi ghi ghi chép chép. Một ngày nọ, anh gọi mình đến nhà mới bảo có việc nhờ. Vẫn bực chồng, mình chần chừ mãi mới miễn cưỡng đến. Ai ngờ…
(Còn tiếp…)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến