XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN CỦA THỊ TRƯỜNG SÀN GỖ VIỆT NAM

Năm 2020 khởi động bằng chuỗi khó khăn, ảm đạm phủ lên tình hình kinh tế – xã hội toàn thế giới.

Xu hướng dịch chuyển của thị trường sàn gỗ
Nhìn lại thị trường trong nước, phép thử ngẫu nhiên từ dịch bệnh trả về kết quả theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3/2020, ghi nhận con số kỷ lục từ trước đến nay: gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Nhưng quan sát bằng lăng kính khác, đây cũng chính là giai đoạn tích cực. Thị trường đang tạo guồng quay lớn sàng lọc những doanh nghiệp không phù hợp hướng đến sự tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo kinh tế chuyển động hiệu quả.
Cũng ảnh hưởng từ bối cảnh kinh tế – xã hội nhưng kết hợp những phân hóa manh nha hình thành trong nội bộ ngành đã đồng thời tác động khiến thị trường sàn gỗ Việt Nam hình thành một xu hướng dịch chuyển ngày càng định hình sắc nét.
Điểm lại mấy năm trước, thị trường sàn gỗ Việt như một ma trận với người tiêu dùng. Chỉ cần đạt doanh số kinh doanh khoảng 500 m2 một tháng là cá nhân hoặc tập thể đã tự tin thành lập thương hiệu sàn gỗ; từ đó, hàng trăm nhãn hiệu cùng xuất hiện khiến người tiêu dùng hoang mang khi chọn lựa.
Tuy nhiên, từ cuối 2019, biến động của nguồn cung – cầu, sự tiến hóa tất yếu của thị trường đã thúc đẩy sự phân hóa thị trường sàn gỗ dần rõ nét thành hai nhánh gồm sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu.
Sản phẩm nội địa hình thành chủ yếu tự phát do các nhà kinh doanh, nhà đầu tư có nền tảng trong ngành gỗ, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm thấy được tiềm năng của sản phẩm sàn gỗ nên đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, do bản chất không có truyền thống sản xuất sàn gỗ nên thị trường trong nước chủ yếu hoạt động gia công quy mô giới hạn, nhập khẩu máy móc và công nghệ cũ từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc). Bởi vậy, sức cạnh tranh của sàn gỗ nội địa tập trung trên phương diện giá, thời gian cung cấp linh hoạt còn chất lượng gần như bỏ ngỏ.
Trong khi đó, nhánh thương hiệu nhập khẩu vô cùng đa dạng và sôi động với khoảng hơn 50 thương hiệu như: Kronoswiss, Quickstep,  Inovar, Dongwha, Kronotex, Robina, Pergo, Janmi, Gesus, Gago, Kendall, Vina+Ur, Alsafloor,…
Ông Nguyễn Minh Cương phát biểu trong hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu nội thất gỗ 2020 – 2022”
Sự phân hóa trên thị trường sàn gỗ Việt ngày càng sôi động bởi giai đoạn này đang diễn ra quá trình phân hóa chuyên sâu sản phẩm và thương hiệu với những luật chơi rất rõ ràng. Các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu được đưa vào giỏ hàng cao cấp; sản phẩm từ Hàn Quốc, Malaysia,… thuộc nhóm hàng trung cấp và hàng bình dân là nhóm sản xuất trong nước. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã không còn được ưa chuộng và đang dần bị loại khỏi thị trường.
Sự phân loại này càng được hậu thuẫn chắc chắn sau cơn bạo bệnh Covid. Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên trên thế giới, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới với các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc hay thị trường cao cấp châu Âu. Hơn nữa, diễn biến khó lường của dịch bệnh, sự bất ổn chính trị từ các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc,… khiến người tiêu dùng có xu hướng tích góp thay vì chi tiêu. Bởi vậy, chi tiêu cho mặt hàng trung cấp sẽ dần thay thế nhu cầu những mặt hàng cao cấp xa sỉ như trước đây và hạn chế những sản phẩm thấp cấp để tránh rủi ro sức khỏe, kinh tế.
Làn sóng sản phẩm Trung Quốc thấp cấp dần vắng bóng là chứng minh cho quy luật đào thải mạnh mẽ của thị trường. Hàng thấp cấp xuất hiện “giải khát” mục đích tạm thời như nhà trọ, không gian sử dụng trong thời gian ngắn, công trình thường xuyên thay nội thất,… bởi tiêu chí rẻ. Nhưng dòng sản phẩm này sẽ dần không còn “đất diễn” vì sau giai đoạn sôi động gia nhập thị trường sẽ bị người tiêu dùng quay lưng bởi yếu tố chất lượng bộc lộ qua quá trình sử dụng.
Xu hướng sản phẩm thấp cấp Trung Quốc bật khỏi quỹ đạo; nhóm hàng trung cấp Hàn Quốc, Malaysia,… đứng vào trung tâm là động tĩnh đánh thức thị trường sàn gỗ nội địa sau thời gian dài hoạt động tự phát và cạnh tranh giá rẻ.
Đặt lại đây con số gần 35.000 doanh nghiệp biến mất chỉ trong thời gian ngắn để khẳng định thương hiệu sàn gỗ nội địa cũng đang đối mặt cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt này. Kịch bản ứng xử nào phù hợp với các thương hiệu trong giai đoạn nước rút 2020 – 2021? Để nhanh chóng đứng vững trên thị trường, phải chăng con đường ngắn nhất nhưng hiệu quả chính là sự liên kết (hợp nhất hay sáp nhập) giữa các doanh nghiệp nội địa để tạo những “ông lớn” đủ tầm chèo lái thị trường?
Song song đó là bộ phận những thương hiệu sàn trong nước chấp nhận bị bật khỏi thị trường hay rút lui có chủ đích nhưng sẽ tạo ra sự đứt gãy mắt xích trong chuỗi cung – cầu nội địa. Từ đó hình thành những khoảng trống về cầu buộc doanh nghiệp sản xuất trong nước cần có những biện pháp tức thì điều tiết sản xuất đồng thời cần sách lược lâu dài.
Một trong những giải pháp cho nhà sản xuất và gia công trong nước chính là đầu tư thiết bị và công nghệ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng,… để cải tiến chất lượng sản phẩm tạo thế “đối đầu” ngang sức với những thương hiệu ngoại nhập.
Ngoài ra với thế mạnh “sân nhà”, doanh nghiệp thực sự cần cải tiến để chủ động sử dụng hiệu quả những nguyên vật liệu tiềm năng trong nước như cốt ván, giấy bề mặt,… tạo quy trình khép kín tự cung tự cấp, hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tăng tính chủ động trong tình hình dịch bệnh và chính trị biến động phức tạp.
Tuy nhiên, quá trình cải tiến này cần một tốc độ ngoạn mục bởi doanh nghiệp nội địa cần lớn mạnh để giữ thị trường khi chia sẻ với bên thứ 3. Cụ thể, sẽ có xu hướng sớm hình thành chính là các công ty ván sàn nước ngoài nhìn ra sức hút và tiềm năng của Việt Nam – thị trường 12/66 nền kinh tế mới nổi về sức khỏe tài chính (The Economist, 5/2020) – sẽ nhanh chân gia nhập và đặt nhà máy sản xuất trong nước cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tóm lại, nhìn nhận thị trường sàn gỗ Việt Nam với nhánh thương hiệu nội địa và nhập khẩu, năm 2020 chính là thời điểm cho các doanh nghiệp có tầm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thức thời khẳng định nền móng vững chắc bằng cách xác định rõ mô hình kinh doanh, xây dựng bộ máy nhân sự tinh hoa và đầu tư trang thiết bị chuyên nghiệp; đồng thời hoạch định những bước tiến quan trọng thích nghi với đột biến từ thị trường.
Doanh nghiệp có tầm nhìn bao quát sẽ nắm được mũi nhọn của thị trường để tập trung phát triển chiến lược. Do đó, sản phẩm nhóm trung cấp nhập như từ Hàn Quốc, Malaysia sẽ được đẩy mạnh khai thác trở thành nhóm sản phẩm chủ đạo trên thị trường. Và chính nhóm sản phẩm này sẽ định hướng một thị trường Việt Nam chuộng những sản phẩm trung cấp hướng tới thói quen tiêu dùng khắt khe hơn, ưu tiên những sản phẩm cao cấp trong tương lai.
Từ những hệ quy chiếu trên, năm 2020 có thể được đánh giá đồng thời là một năm khởi sắc cho thị trường sàn gỗ Việt Nam. Là thời điểm thích hợp để khách hàng thực sự gặp gỡ những thương hiệu uy tín, chất lượng.
Nguyễn Minh Cương.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến